KHO BÁU VUA HÀM NGHI - KỲ 1

Hàm Nghi , Thành Thái , Duy Tân nổi tiếng là những vị vua yêu nước của triều Nguyễn . Vua Hàm Nghi là người phát động phong trào Cần Vương , kêu gọi toàn dân đánh giặc . Và trên đường đi ẩn danh để duy trì phong trào , tương truyền ông đã mang theo một lượng kho báu cực lớn và cất giấu rải rác .

Vua Hàm Nghi
Vua Hàm Nghi

Dấu tích thư tịch…

Sau Hòa ước Giáp Tuất 1874, trước sự uy hiếp liên tục và ngày càng gia tăng của thực dân Pháp, Vua Tự Đức đã chuẩn y cho xây dựng một loạt các căn cứ Sơn phòng ở hầu khắp các tỉnh miền Trung. Mục đích ban đầu là để phòng ngừa sự quấy nhiễu của "người Man" (người dân tộc thiểu số) từ Tây Nguyên tràn xuống.

Nói cách khác, Sơn phòng không gì khác hơn là một loại thành lũy quy mô vừa phải, có quân đồn trú, làm nhiệm vụ như biên phòng ngày nay ở khu vực sơn cước phía tây đất nước.

Nhưng mục đích sâu xa, nhà Nguyễn muốn chuẩn bị trước một loạt căn cứ hậu lộ nhằm có nơi rút lui và tổ chức kháng chiến lâu dài, nếu Kinh thành Huế bị Pháp tấn công không thể giữ được.

Trong số đó, sách “Đại Nam thực lục chính biên” cho biết, theo chỉ dụ của Tự Đức, vùng Cùa, Cam Lộ, Quảng Trị được chọn làm đất lập Nha Kinh lý Sơn phòng Quảng Trị, tiền thân của thành Tân Sở sau này. Nhân lực xây dựng lấy từ số phạm nhân đã được phân loại.

Ấn tín Quốc Gia bằng vàng đúc năm Gia Long
Ấn tín Quốc Gia bằng vàng đúc năm Gia Long

Tháng 7/1883, Vua Tự Đức băng hà. Một tháng sau, Pháp đã đưa tàu chiến chiếm cứ cửa biển Thuận An, từ đó kéo quân xộc thẳng về Kinh đô và đồn trú ngay trên đất Huế. 

Tướng lĩnh Pháp ngang nhiên ra vào hoàng thành, ngang nhiên nhúng tay can thiệp vào việc triều chính của đất nước. Quốc gia bên bờ suy vong, triều đình Huế phân hóa nghiêm trọng.

Trong ba "cố mệnh đại thần" được di chiếu của Tự Đức giao trọng trách Phụ chánh đại thần thì Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường là chủ soái của phe chủ chiến, trong khi Trần Tiễn Thành cầm đầu phái chủ hòa.

Tôn Thất Thuyết và phe chủ chiến đã thẳng tay loại trừ bất kỳ ai, kể cả vua, nếu dám chống lại hoặc cản trở chủ trương chống Pháp. Trong vòng một năm, 3 tân vương Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc đã lần lượt bị truất ngôi và bị giết chết theo lệnh của Tường, Thuyết.

Việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến càng trở nên gấp rút. "Quốc triều chính biên toát yếu" chép, cuối năm 1883, dưới triều Vua Kiến Phúc, Cơ mật Viện nhà Nguyễn đã cho "dời Nha Sơn phòng Quảng Trị tới làng Bảng Sơn (nay là xã Cam Nghĩa), lỵ sở phủ Cam Lộ cũng dời về trong Sơn phòng".

Tổng chỉ huy xây dựng Sơn phòng Tân Sở được chính cố mệnh đại thần Nguyễn Văn Tường đảm trách, có sự phụ tá đôn đốc của một loạt trọng thần như Phò mã Đặng Huy Cát, Tham biện Tôn Thất Lệ, Phó sứ Sơn phòng Nguyễn Tuy...

Cả hai cuốn "Đại Nam thực lục chính biên" và "Quốc triều chính biên toát yếu" đều có những ghi nhận thống nhất: Đầu năm 1885, về cơ bản, các công trình phòng ngự quân sự đã xem như hoàn tất. Thành Tân Sở dài 548m, rộng 418m, tổng diện tích khoảng 23 hécta bao quanh bởi một vòng hào khá sâu, rộng 10m.

Triều đình cho dựng thành, trồng tre, đào hào làm chiến lũy, đồng thời cho chở lương thực từ các tỉnh Hà - Nam - Ninh của đồng bằng Bắc Bộ theo đường biển vào Cửa Việt rồi đưa lên Tân Sở.

Từ kinh đô, rất nhiều vàng bạc, khí giới cũng được đốc thúc đưa ra chôn giấu tại đây. Riêng vũ khí, số lượng chuyển đi rất lớn, mất ròng rã 3 tháng mới hoàn tất. 

Theo dự định của Tôn Thất Thuyết, 1 triệu lượng (khoảng 33 tấn) vàng ròng, bạc nén sẽ được chuyển từ kho Phủ Nội vụ trong Kinh thành Huế lên Tân Sở. Nhưng mới chuyển được 1/3, khoảng 11 tấn thì giao tranh với Pháp đã nổ ra tại kinh thành nên phải tạm ngừng.

Đêm mùng 5, rạng sáng ngày 6/7/1885, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đem quân tấn công trại lính Pháp ở đồn Mang Cá. Sau một ngày giao tranh, quân nhà Nguyễn thất bại. 

Ấn Hoàng đế chi tỷ bằng Bạch ngọc , năm Minh Mạng
Ấn Hoàng đế chi tỷ bằng Bạch ngọc , năm Minh Mạng

Ngày 9/7, Tôn Thất Thuyết đã hộ giá (thực chất là bắt ép) Vua Hàm Nghi - mới lên ngôi chưa đầy 1 năm - rời Hoàng thành vượt lên Tân Sở. Pháp một mặt cho quân bộ đuổi theo, một mặt cho thủy quân kéo tàu ra biển Nhật Lệ (Quảng Bình) chặn đường.

Tôn Thất thuyết tự lượng thành Tân Sở không đủ sức chống đỡ nên vội phò giá Hàm Nghi vượt lên phía thượng ngàn Đắkrông - Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, từ đó vượt sang Châu mường Mahasay của Lào.

Khi Phan Đình Phùng hưởng ứng chiếu Cần Vương khởi nghĩa, lập xong căn cứ Vụ Quang, Vua Hàm Nghi lại vượt biên giới về đóng tại căn cứ núi Ấu (Hương Khê, Hà Tĩnh).

Thực dân Pháp đã xua đám tay sai do Tổng đốc Hoàng Cao Khải chỉ huy đuổi riết. Đoàn tùy tùng lại tiếp tục hộ giá Vua Hàm Nghi vượt đèo Quy Hợp vào đất Tuyên Hóa, Quảng Bình. Có thời gian, đoàn ngự giá hạ trại tại chân núi Mã Cú, nay thuộc địa phận xã Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình - chính là nơi sau này Nguyễn Hồng Công đào tìm kho báu.

Rời kinh thành, ngoài châu báu tùy thân, Vua Hàm Nghi còn mang theo kim ấn "Ngự tiền chi bảo" - bảo vật truyền ngôi của nhà Nguyễn. Trước lúc rời Tân Sở, ngày 13/7/1885, Vua Hàm Nghi đã tự tay đóng ấn "Ngự tiền chi bảo" lên những tờ Hịch Cần Vương, kêu gọi sĩ phu và dân chúng mọi miền đứng lên chống Pháp.

Thời gian Vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng lưu lại Tân Sở rất ngắn, chỉ chừng 4 hoặc 5 ngày. Ngay sau đó, Pháp đã chiếm Sơn phòng Tân Sở và san phẳng nơi này.

Với thời gian gấp gáp như vậy, lại liên tục trong tình trạng bị truy đuổi ráo riết một thời gian dài, gần như chắc chắn Vua Hàm Nghi và đoàn hộ giá không thể mang theo hết số bạc vàng châu báu, tiền bạc đã tập kết về Tân Sở từ đầu năm 1885. 

Ngoài một phần bị quân Pháp cướp lại, số mang theo được chắc chắn sẽ phải chia nhỏ, chôn giấu lại từng phần ở nhiều nơi dọc đường bôn tẩu.

Ngày 26/9/1888, tại khe Tá Bào, Tuyên Hóa, Quảng Bình, tên phản bội Trương Quang Ngọc đã dẫn binh giết sạch đoàn hộ giá, bắt Vua Hàm Nghi dâng cho giặc.

Trương Quang Ngọc, rồi thực dân Pháp đã lục xét đào xới khắp bốn chung quanh nơi vua hạ trại hòng tìm cướp báu vật mang theo, nhưng chỉ uổng công. 

Không ngọc tỉ, kim ấn, không bạc nén, vàng thoi, trong người đức vua chỉ còn lại một ít bạc lẻ và vài ba tấm bản đồ đánh dấu một số kho báu được chôn lại ở nhiều nơi.

Kẻ ngoài cuộc có cầm bản đồ trên tay cũng không tài nào xác định nổi vị trí của những tấm bản đồ vẽ sơ sài ấy... Trong khi đó, Vua Hàm Nghi thì trước sau không chịu nói thêm lấy nửa câu.





0 nhận xét:

Đăng nhận xét