Câu chuyện về Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy
của gia tộc Trần Trinh sở hữu chiếc máy bay tư nhân đâu tiên ở Việt Nam là có
thật . Nhưng số phận cuối cùng của chiếc máy bay này thì không ai rõ .
Mẫu máy bay của Công tử Bạc Liêu khi xưa |
Nếu không tính vua Bảo Đại có một chiếc máy bay riêng được
mua từ tiền ngân khố quốc gia thì vào thời điểm những năm 1930 của thế kỷ
20, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy là người Việt Nam đầu tiên
sắm máy bay riêng.
Theo ông Trần Trinh Đức, con trai công tử Bạc Liêu, sau khi học và
thi lấy bằng thành chung, ba ông đã xin gia đình đi Tây du học để học hỏi và
hiểu biết về nền văn minh xứ người.
"Sang Pháp, công tử Bạc
Liêu thường xuyên lui tới chơi và làm quen với các chủ đồn điền nên biết cách
làm ruộng và làm vườn của họ. Cái gì cũng làm bằng máy, cày xới thì có máy cày,
muốn cày sâu hay cạn đều được. Gặt đập cũng có máy gặt đập. Năm nào có nạn sâu
rầy phá lúa, bọ họ xịt thuốc sát trùng bằng máy bay, do vậy ông đi học lấy bằng
lái máy bay tại Paris" - ông Đức
nói.Từ Pháp trở về, sau khi được ông Hội đồng Trạch tổ chức đại tiệc để ra mắt
giới quan chức, điền chủ khắp lục tỉnh Nam Kỳ, công tử Bạc Liêu đã dành 3 tháng
làm một chuyến du ngoạn khắp từ Nam chí Bắc bằng chính chiếc xe Chevrolet mà
ông Hội đồng Trạch mới mua. Trong chuyến đi xuyên Việt này, công tử Bạc
Liêu có dịp xài tiền như nước, ước tính lên đến vài triệu đồng Đông Dương
lúc đó, tương đương gần 10kg vàng.
Trở về Bạc Liêu, Ba Huy (tên gọi ở nhà của công tử Bạc
Liêu) được ông Hội đồng Trần Trinh Trạch tin cẩn giao cho cai quản
toàn bộ cơ ngơi làm ăn của cả gia đình lúc bấy giờ, bao gồm hơn
145.000 ha ruộng lúa và hơn 50.000 ha ruộng muối ở Bạc Liêu và
các tỉnh lân cận.Tiếp nhận chuyện quản lý gia sản với cánh đông cò
bay thẳng cánh, Ba Huy đã thuyết phục ông Hội đồng Trạch mua máy bay để...
"đi thăm ruộng". Trước đó, ông Hội đồng Trạch đi thăm ruộng bằng xe
hơi đối với đường bộ, hoặc bằng ghe máy khi phải đi trên sông, ông còn chưa
nghĩ tới chuyện trang bị xuồng máy cao tốc. Ba Huy cho rằng như vậy là quá lạc
hậu.
Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy |
Một hợp đồng mua máy bay, loại 2 cánh quạt, 2 chỗ ngồi, đã được
công tử Bạc Liêu ký với hãng cung cấp máy bay của Pháp.
Theo một vài nguồn thông tin, giá trị hợp đồng lên đến vài chục
triệu đồng Đông Dương, tương đương hơn 100kg vàng.
Khi máy bay chưa về tới Sài Gòn, nhờ Ba Huy quan hệ tốt với cánh
báo chí, vào ngày 24 tháng 6 năm 1932, trên tờ báo La Courrier Saigonnais đã
loan tin giật gân công tử Bạc Liêu mua máy bay với tít lớn ở trang nhất:
“M.Tran Trinh Huy propriétaire à Baclieu possède un avion et il aménager une
piste d atterrissage sur sa propriété à Camau”, có nghĩa “Ông điền chủ Trần
Trinh Huy sắm một chiếc máy bay và làm sân bay trên đất của ông ở Cà Mau”.
Cũng bằng cách nhờ báo chí, hình ảnh công tử Bạc Liêu và
chiếc máy bay “thứ hai ở Việt Nam” xuất hiện trang trọng trên trang nhất của
nhiều tờ báo.
Ba Huy đã đánh dây thép kêu tài xế chở ông Hội đồng Trạch từ
Bạc Liêu lên Sài Gòn để đích thân Ba Huy lái máy bay đưa cha trở về Bạc Liêu.
Nhìn Ba Huy cho máy bay chạy “như bay” trên đường băng Tân Sơn Nhất, rồi nhấc
mình khỏi mặt đất, ông Hội đồng Trạch chỉ biết ôm chặt thành ghế, chỉ sợ rớt
xuống đất. Đến khi máy bay lấy độ cao, thăng bằng trở lại, ông mới dám mở mắt
ra.
Lần đầu tiên được "bay lên trời", ông Hội đồng Trạch vừa
mừng vừa lo, không biết thằng con Ba Huy có bay được về tới Bạc Liêu không. Ông
mặc áo dài khăn đóng đàng hoàng, như thể đi lễ hội. Ba Huy chưa vội trực chỉ
hướng Tây Nam, mà cho máy bay lượn một vòng quanh thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn
và chỉ cho ông Hội đồng Trạch đâu là sông Sài Gòn, đâu là Chợ Lớn, ngoài xa là
Biển Đông...
Từ trên mây nhìn xuống đất, ông Hội đồng Trạch không chớp mắt, ra
chiều thú vị. Bất ngờ ông vỗ đùi cái đét nói: “Trên này ngó xuống đất chỉ thấy
phía dưới mờ bụi đỏ. Mà “bụi đỏ” chữ Nho có nghĩa là “hồng trần”. Hèn chi người
xưa nói cuộc đời là hồng trần, bây giờ đi máy bay tao mới hiểu”.
Ba Huy mỉm cười giải thích: “Không hẳn vậy đâu ba. Tại bên dưới là
vùng Gò Vấp đất đỏ, nên khi gió cuốn ba thấy mù bụi đỏ. Chút nữa tới vùng đồng
bằng đất đen xứ mình, gió cuốn bụi đen sì, lúc đó đâu còn là hồng trần”.
Máy bay lướt qua sông Tiền, rồi sông Hậu, cậu Ba Huy hướng máy bay
về phía Sóc Trăng, nơi đó có Bãi Xào, là một trong những sở đất trồng lúa lớn
nhất của ông Hội đồng Trạch. Xong, Ba Huy bay ra phía biển, cho máy bay bay cặp
theo bờ biển hướng về phía Bạc Liêu, bên dưới là những sở ruộng làm muối của
Hội đồng Trạch chạy dài theo biển.
Theo hướng chỉ tay của Ba Huy, ông Hội đồng Trạch thấy từ xa ở
phía dưới là “châu thành Bạc Liêu”. Chiếc máy bay lượn mấy vòng trên bầu trời
thị xã Bạc Liêu để cho ông Hội đồng Trạch thấy đâu là Nhà Lớn của mình, đâu là
sông Bạc Liêu và chiếc cầu Quay bắc qua sông. Chiếc máy bay bay vòng tròn, theo
hình trôn ốc, hạ thấp dần, lấy tâm là Nhà Lớn.
Cả gia đình ông Hội đồng Trạch và dân thị xã Bạc Liêu đã được báo
trước, họ đứng phía dưới vẫy chào chiếc máy bay đang lượn qua lượn lại trên
đầu. Ý ông Hội đồng Trạch còn muốn “quần thảo” trên bầu trời Bạc Liêu thêm nữa,
nhưng Ba Huy nhìn đồng hồ báo nhiên liệu rồi bảo với cha là “sắp hết xăng”, vì
vậy ông Hội đồng Trạch mới chịu đi tiếp.
Chiếc máy bay trực chỉ hướng thị xã Cà Mau, cách Bạc Liêu 60 cây
số, nơi có sân bay cá nhân của gia đình Hội đồng Trạch vừa được xây dựng trước
đó trên chính sở ruộng của mình. Từ Cà Mau, ông Hội đồng Trạch trở về Bạc Liêu
bằng xe hơi, còn cậu Ba Huy thì ở lại với chiếc máy bay để hàng ngày bay đi
thăm ruộng.
Thường thì Ba Huy bay một mình, nói là thăm ruộng nhưng chủ yếu là
để thỏa cái thú ăn chơi của mình. Thỉnh thoảng Ba Huy cũng lái máy bay đưa ông
Hội đồng Trạch đi thăm các sở ruộng ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng.
Theo lời một người cháu họ của công tử Bạc Liêu, ông đã được nghe
kể lại, có một lần Ba Huy một mình lái máy bay đi thăm ruộng ở Cà Mau. Cao
hứng, công tử Bạc Liêu bay dọc theo bờ biển về phía Rạch Giá, Hà Tiên, nơi
không có ruộng nương nào cả của gia đình Hội đồng Trạch. Ba Huy phát hiện một
điều thú vị, từ trên cao nhìn xuống, bờ biển Tây từ Cà Mau tới Rạch Giá như một
đường thẳng chứ không gấp khúc như những bờ biển nơi khác.
Biển Hà Tiên |
Ba Huy cứ men theo đường thẳng ấy mà bay, để rồi mất phương hướng
bay lạc sang Campuchia, bay tiếp qua cả Thái Lan. Máy bay hết xăng, Ba Huy xin
đáp khẩn cấp xuống đất Thái Lan. Nhà chức trách Thái Lan đã phạt Ba Huy số tiền
lớn về tội xâm nhập không phận trái phép.
Công tử Bạc Liêu đánh dây thép về Bạc Liêu, ông Hội đồng
Trạch phải cho chở 3 chiếc ghe chày loại lớn đầy lúa qua tận Thái Lan để nộp
phạt chuộc Ba Huy và máy bay đem về. Ước tính số tiền nộp phạt khoảng vài ngàn
đồng Đông Dương, tương đương khoảng 10kg vàng.
Trong các sử liệu và khi được hỏi về tung tích chiếc máy bay
này, ông Trần Trinh Đức, con trai của công tử Bạc Liêu cũng không nắm được cụ
thể.
Còn anh Tuấn Anh, hướng dẫn viên du lịch của một công ty du lịch
tại Tp Hồ Chí Minh, người có nhiều dịp tiếp xúc với tư liệu về công tử Bạc
Liêu cho hay, hiện có rất nhiều đồn thổi về số phận chiếc máy bay này.
"Có người nói
cậu Ba Huy chơi mãi cũng chán nên bán rẻ lại cho người khác. Có người nói
do sân bay ở gần vùng biển gió mặn nên sớm xuống cấp, rồi hư hỏng nên công tử
Bạc Liêu phải bỏ. Nhưng cụ thể thế nào thì cũng không ai rõ, tuy vậy, có
một điều là, dù số phận chiếc máy bay như thế nào thì chỉ một thú
tiêu khiển của công tử Bạc Liêu đã ngốn mất hàng trăm kg vàng chứ không
ít" - anh Tuấn
Anh chia sẻ.
Theo Soha
Chủ đề liên
quan : Công
tử Bạc Liêu , Trần
Trinh Huy , Ba Huy , Xài
tiền như Công tử Bạc Liêu , Máy
bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam , Cô Ba
Trà, Bảy
Phùng Há , Bạch
Công tử , Hắc
Công tử
0 nhận xét:
Đăng nhận xét